Chủ đề và cách diễn giải Con đường ảo mộng

Trong bản gốc DVD phát hành, nhà sản xuất đã khéo léo cài cắm vào một tấm thẻ có tiêu đề: "10 manh mối để giải mã bộ phim gay cấn này của David Lynch". Dưới đây là các gợi ý:[33]
  1. Chú ý thật kĩ vào đoạn mở đầu của phim: Ít nhất hai manh mối đã được tiết lộ ở phần danh đề.
  2. Chú ý vẻ ngoài của chiếc đèn màu đỏ.
  3. Bạn có nghe thấy tựa đề của bộ phim mà Adam Kesher đang tuyển các nữ diễn viên là gì không? Nó có được nhắc lại lần nào nữa không?
  4. Vụ tai nạn là một sự việc tồi tệ. Vậy hãy chú ý xem nó xảy ra ở đâu.
  5. Ai đưa [cho Betty] chiếc chìa khóa, vì sao?
  6. Nhớ chú ý đến quần áo, cái gạt tàn và chiếc cốc cà phê.
  7. Bạn cảm có nhận được những gì đang diễn ra ở Club Silencio không?
  8. Camilla có thực sự nổi danh bằng tài năng hay còn con đường nào khác?
  9. Chú ý những chuyện xảy ra xung quanh người đàn ông phía sau quán Winkie's.
  10. Dì Ruth đang ở đâu?

Chỉ với dòng tagline duy nhất: "Một câu chuyện tình yêu trong thành phố của những giấc mơ",[10] cùng việc từ chối bình luận về ý nghĩa, biểu tượng hay bất cứ điều gì, David Lynch dường như đã thành công khi đẩy người xem vào vòng tranh luận không có hồi kết, dẫn đến vô vàn cách diễn giải khác nhau cho phim. Nhà phê bình David Sterritt, viết cho tuần báo Christian Science Monitor sau buổi trò chuyện với Lynch hậu Cannes đã khẳng định rằng ông ấy "khăng khăng Mulholland Drive sẽ kể một câu chuyện mạch lạc, dễ hiểu", không giống như vài phim trước đây của ông, chẳng hạn như Lost Highway.[34] Ở một diễn biến khác, Justin Theroux mô tả lại cảm xúc của Lynch khi ông biết được mọi người đang bàn tán về ý nghĩa bộ phim của mình như sau: "Tôi nghĩ rằng ông ấy đơn giản là hạnh phúc vì bất cứ điều gì bạn nghĩ đều có thể là đúng. Ông ấy tỏ ra thích thú trước những giả định kỳ lạ từ mọi người. David dường như làm việc từ tiềm thức của mình".[31]

Giấc mơ và thực tại song song

Diễn giải đầu tiên cho cốt truyện của Mulholland Drive là sử dụng phương pháp phân tích giấc mơ để cho rằng phần đầu phim là giấc mơ của Diane Selwyn (ngoài đời thực). Theo đó, cô đã vẽ nên một giấc mơ của riêng mình khi trong mơ, cô "vào vai" Betty Elms – một cô gái ngây thơ và tràn đầy hy vọng. Giấc mơ đã tái hiện lại một phần lát cắt cuộc sống cũng như tính cách của cô và biến nó trở thành một thứ giống như băng phim Hollywood cũ. Trong giấc mơ, Betty thành công, quyến rũ, sống đời giả tưởng của một nữ diễn viên dưới ánh hào quang. Một phần năm thời lượng cuối phim lột trần cuộc sống thực của Diane, khi cô lụn bại cả về mặt đời tư lẫn sự nghiệp. Cô lập mưu giết chết người yêu cũ của mình là Camilla. Cuối cùng, vì không thể đương đầu với sự thật nghiệt ngã đó, cô tưởng tượng ra trong mơ một nhân cách khác của Camilla (Rita). Nhân cách này hoàn toàn mất trí nhớ và phụ thuộc, trái ngược với chính Camilla ngoài đời. Dù vậy, những bằng chứng về mối quan hệ đổ vỡ của cả hai vẫn liên tục xuất hiện đi xuất hiện lại trong giấc mơ của Diane, dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cô về sau này.[35]

Cách giải thích này giống với những gì Naomi Watts từng trình bày trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi nghĩ Diane là nhân vật có thật và Betty là hiện thân cho những gì cô ấy luôn khao khát. Về phần Rita, cô ấy giống hình mẫu một "công chúa lâm nguy". Cô ấy cần Betty che chở. Betty lấy cớ đó để điều khiển Rita như một con búp bê. Rita là tưởng tượng của Betty về người mà cô ấy muốn Camilla trở thành".[29] Watts còn chia sẻ thêm rằng những trải nghiệm ban đầu của cô ở Hollywood cũng giống hệt như những gì Diane từng trải qua. Cụ thể, cô đã chịu đựng một vài thất bại trong nghề, thử những vai diễn chẳng mấy tiềm năng, gặp những kẻ bị số phận quay lưng. Hồi tưởng về khoảng thời gian đó, cô bùi ngùi nhắc lại: "Có rất nhiều hứa hẹn, nhưng rồi thực tế chẳng hề có gì xảy ra cả. Tôi rỗng túi và trở nên khá cô đơn".[36] Viết trên tờ The Chicago Tribune, cây bút Michael Wilmington ví von: "Mulholland Drive là một cơn ác mộng. Đó là bức chân dung nơi giấc mơ vàng Hollywood biến thành ôi thiu, hóa thành món hầm độc hại của sự thù hận, đố kị, dàn xếp lôi thôi cùng sự thất bại trong việc hủy hoại tâm hồn. Đây là phần tăm tối nhất trong những mộng mị quyến rũ của chúng ta và mọi thứ mà Lynch phô bày ở đây thật vô cùng sinh động".[37]

The Guardian đã hỏi sáu nhà phê bình phim nổi tiếng về nhận thức của riêng họ về ý nghĩa tổng thể trong Mulholland Drive. Neil Roberts của tờ The Sun lẫn Tom Charity của tạp chí Time Out đều đồng tình với giả thiết cho rằng Betty chính là hình tượng về một cuộc sống hạnh phúc hơn mà Diane hằng mơ ước. Hai nhà phê bình Roger EbertJonathan Ross cũng đồng ý với cách nhận định này. Tuy nhiên, hai người vẫn ngần ngại đi sâu phân tích về bộ phim. Ebert nói: "Chẳng có lời giải thích nào hết. Thậm chí còn chẳng có bí mật nào để giải thích nữa". Ross nhận xét dòng thời gian của phim là một thứ hỗn tạp chẳng đi đến đâu: "Có thể còn sót lại chút dư vị nào đó mà tập thử nghiệm ban đầu dự định làm, hoặc có thể đơn giản những thứ này chỉ là những sự kiện bất ngờ không thể giải thích được, một loại vô thức của giấc mơ". Philip French từ tuần báo chủ nhật The Observer thì cho rằng bộ phim là một lời ám chỉ về những thảm kịch đang ngầm hiện hữu tại Hollywood, trong khi Jane Douglas của đài BBC thì phủ nhận giả thiết cuộc đời của Betty chính là giấc mơ của Diane, nhưng lại cảnh báo mọi người đừng phân tích quá nhiều.[38]

Nhà lý thuyết phim Siobhan Lyons cũng không đồng ý với lý thuyết về giấc mơ, khẳng định đó là một "sự giải thích hời hợt làm suy yếu sức mạnh của sự phi lý mà thực tế vốn thường diễn ra trong vũ trụ của Lynch". Thay vào đó, Lyons kết luận Betty và Diane bản chất là hai người khác nhau nhưng trông giống nhau, một mô típ phổ biến giữa các ngôi sao Hollywood.[39] Cũng có một lý giải khác khá thú vị, đó là bốn người Betty, Rita, Diane và Camilla thực tế đều tồn tại trong các vũ trụ song song khác nhau, đôi khi nối kết với nhau. Một giả thiết khác cho rằng câu chuyện chỉ là một dải Mobius, một dải xoắn không có điểm đầu và cũng không có điểm cuối.[40] Cũng có thể toàn bộ thời lượng phim chỉ là một giấc mơ, nhưng không rõ của ai.[41] Còn theo phân tích của Murat Akser, người xem có thể hiểu bộ phim theo hai cách: thứ nhất, có một sự kiện bất ngờ nào đó khiến Betty ngây thơ tình cờ gặp một Rita mất trí; thứ hai, cả hai cùng lúc bước vào một vùng biến dạng không thời gian kỳ diệu nơi quá khứ trở thành tương lai, nơi hai cô gái hoán đổi danh tính lẫn địa vị cho nhau.[42] Tuy nhiên, những cảnh tượng liên quan đến giường, phòng và giấc ngủ lặp lại liên tục cho thấy có ảnh hưởng sâu sắc của những giấc mơ lên cốt truyện. Rita rơi vào giấc ngủ vài lần và trong những lần đó, những phân cảnh rời rạc cứ liên tục hiện ra, chẳng hạn cảnh hai người đàn ông trò chuyện ở quán Winkie's, máy bay của Betty đáp xuống Los Angeles, rồi tên sát nhân hậu đậu xuất hiện chứng tỏ Rita mới là người đang mơ. Theo nhà nghiên cứu Ruth Perlmutter, cảnh quay mở đầu của bộ phim tập trung vào chiếc giường nơi một người bí ẩn đang say giấc và điều cần thắc mắc là thứ gì diễn ra sau phân cảnh đó là thực tại.[43] Giáo sư chuyên về giấc mơ Kelly Bulkeley lập luận rằng phân cảnh tại quán ăn lúc đầu phim là nơi duy nhất trong đó giấc mơ hoặc việc đang mơ được đề cập rõ ràng, minh họa cho "sự thật được tiết lộ cũng như nhận thức luận không chắc chắn trong phim của Lynch". Thêm vào đó, việc sinh vật quái dị từ giấc mơ, là đề tài bàn thảo giữa hai người đàn ông ở quán Winkie's bất ngờ lộ diện trở lại vào cuối phim ngay trước và sau khi Diane tự sát. Bulkeley phán đoán rằng chính cuộc trò chuyện về những giấc mơ trong đoạn đầu phim có thể là tiền đề khơi dậy "một cách hiểu mới về mọi thứ xảy ra trong phim".[44]

Nhà lý luận Robert Sinnerbrink tương tự cũng cho rằng những hình ảnh sau vụ tự tử của Diane đã làm suy yếu sự hợp lý trong giả thiết "giấc mơ và hiện thực". Sau khi Diane tự bắn mình, chiếc giường ngập tràn trong màn khói. Hình ảnh Betty và Rita cũng liên tục nhập nhằng vào nhau, theo sau đó là cảnh một phụ nữ trên ban công Club Silencio thì thầm "Silencio" rồi màn hình mờ dần thành màu đen. Sinnerbrink viết: "Những hình ảnh kết thúc phim trôi nổi trong một khoảng vô định giữa tưởng tượng và hiện thực có lẽ là chiều siêu hình thực sự của cảnh quay điện ảnh". Đó có thể là "điểm tiếp nối cuối cùng cho những mộng tưởng còn sót lại của ý thức Diane sau khi cô mất, bao gồm cả khoảnh khắc đánh dấu cái chết thực sự xảy ra: Sự yên lặng cuối cùng".[45] Cùng ý tưởng như trên, nhà lý thuyết phim Andrew Hageman nhận định rằng: "Chín mươi giây sau cái chết của Betty/Diane là một không gian điện ảnh tồn tại sau khi bức màn trong ý thức sống của cô hoàn toàn buông xuống và vì thế, không gian dai dẳng này là nhà hát nơi ảo ảnh của ảo ảnh liên tục bị vạch mặt".[46]

Nhà lý thuyết phim David Roche thì cho rằng phim của Lynch không đơn giản là kể chuyện trinh thám, mà buộc khán giả phải đóng vai trò thám tử để hiểu ý nghĩa câu chuyện. Mulholland Drive, giống như các phim khác của Lynch, "khiến khán giả thất vọng về một cách trần thuật hợp lý bằng cách chơi đùa trên sai lầm của họ khi cho rằng lời kể đồng nghĩa với trần thuật". Trong các bộ phim của Lynch, khán giả luôn "chậm một bước so với lời kể" và do đó "lời kể chiếm ưu thế hơn so với trần thuật". Roche cũng lưu ý rằng có nhiều bí ẩn trong phim mà cuối cùng vẫn không được giải đáp do các nhân vật hoặc đi vào ngõ cụt như Betty và Rita, hoặc chịu thua trước áp lực như Adam. Dù khán giả có tranh đấu đến mấy để giúp câu chuyện trở nên có ý nghĩa, nhưng việc các nhân vật không được thiết lập cho việc giải quyết những mâu thuẫn của riêng họ đã phá vỡ nỗ lực này. Roche đi đến kết luận Mulholland Drive bí ẩn không phải vì nó cho phép khán giả đi tìm lời đáp cho các câu hỏi còn bỏ ngỏ, mà chính bản thân bộ phim đã là một ẩn số vì nó khiến khán giả – những thám tử đích thực trong phim phải sát cánh cùng nhau "dưới mong muốn biến cốt truyện vốn phức tạp của phim thành một điều có ý nghĩa".[47]

Viết trên ấn phẩm New Directions in Cognitive Linguistics, Johanna Rubba đánh giá: "Những giấc mơ trong Mulholland Drive dĩ nhiên không phải là những giấc mơ có thật mà chỉ đơn giản là một câu chuyện hư cấu. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn thực tế. Giấc mơ thường là phản ánh trực quan về cuộc sống của chính người mơ mộng, nhưng cũng có thể bao gồm cả những cá nhân quen thuộc hoặc thậm chí những người xa lạ mà người đó lướt qua trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Mặc dù vậy, tất cả họ, bằng cách nào đó, đều đóng vai trò đáng kể trong giấc mơ. Các sự kiện xảy ra thường vô lý hoặc phi logic. Sự biến thiên trong các sự kiện ngoài đời hay trong bản thân nhân vật hoàn toàn phù hợp với mục đích của giấc mơ: người thân yêu đã chết của bạn bỗng nhiên sống lại; người rời bỏ bạn mà đi trở về, hối hận, ăn năn. Giấc mơ trong Mulholland Drive sở hữu tất thảy những đặc điểm này".[48]

Một "món quà Valentine độc hại gửi đến Hollywood"

Quang cảnh Los Angeles về đêm nhìn từ đường Mulholland – biểu tượng của thành phố này cho cơ hội và sự thăng tiến.

Một chủ đề thu hút sự chú ý không kém đó là cách bộ phim lột tả những mảng tối nơi sân khấu đầy ắp ánh đèn. Stephen Holden từ tờ The New York Times viết: "Mulholland Drive không đề cập nhiều đến cuộc sống tình yêu hay tham vọng nghề nghiệp của bất kỳ ai mà chỉ tập trung phản ánh một cách sâu sắc nhất những cám dỗ ở Hollywood, sự đa dạng trong nhập vai cũng như sức sáng tạo cá nhân mà kinh nghiệm điện ảnh thầm hứa hẹn... Liệu còn có sức mạnh nào ngoài kia lớn hơn sức mạnh dấn thân và lên kế hoạch cho cuộc sống đáng mơ ước của chúng ta?"[49] J. Hoberman của tờ The Village Voice nhắc lại cảm nghĩ này bằng cách gọi bộ phim là "món quà Valentine độc hại gửi đến Hollywood".[50]

Mulholland Drive cũng thường được đem ra so sánh với phim noir kinh điển Sunset Boulevard (1950) của Billy Wilder, một góc nhìn khác về những giấc mơ tan vỡ ở Hollywood.[10][51][52] Nhân vật cùng tên Rita trong Sunset Boulevard đầu phim cũng băng qua một con đường có tên Đại lộ Sunset trong đêm. Bên cạnh việc hai tiêu đề đều được đặt theo tên những con đường mang danh biểu tượng của thành phố Los Angeles, thì Mulholland Drive còn là "một sự tính toán độc nhất vô nhị của Lynch về điều mà Wilder từng chú ý đến: sự đồi bại của con người (một cụm từ mà Lynch đã sử dụng vài lần trong suốt cuộc họp báo ở Liên hoan phim New York năm 2001) trong thành phố của những ảo vọng chết người".[53] David Lynch sống gần đường Mulholland – biểu tượng văn hóa của Hollywood cho nên tiêu đề phim ít nhiều cũng liên quan đến khu vực này, như ông từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Ban đêm, khi bạn di chuyển lên đó, có cảm giác như thể bạn đang ở trên đỉnh của thế giới vậy. Ban ngày cũng thế, có chút sợ hãi vì nó nằm ở một khu tương đối hẻo lánh, nhưng bạn có thể cảm nhận được cả Hollywood trên con đường đó".[10] Watts cũng từng có trải nghiệm khá xúc động về con đường trước khi sự nghiệp của cô thăng tiến. Cô kể: "Nhiều lần lái xe qua đó, tôi thường khóc rất nhiều. Trong tâm khảm lúc ấy, tôi luôn dằn vặt với câu hỏi: 'Mình đang làm gì ở đây?'"[23]

Nhà phê bình Gregory Weight cảnh báo người xem về cách giải thích có phần cay độc về nhiều sự kiện xảy ra trong phim, cho rằng Lynch đã phô bày nhiều hơn mức cần thiết "cái bộ mặt mà ông ấy tin chỉ có thể ngự trị điều dối trá và xấu xa". Mặc dù vậy, dưới quan điểm của Weight, bất chấp những tuyên bố về sự thao túng, lừa gạt, dối trá mà Lynch gán cho nền văn hóa Hollywood, ông cũng phần nào gửi gắm vào trong phim của mình những hoài niệm xưa cũ, thừa nhận nghệ thuật đích thực chỉ thăng hoa bởi lối làm phim kinh điển khi sử dụng những nhân vật một thời vàng son như Ann Miller, Lee GrantChad Everett như cách để tưởng nhớ họ. Với Naomi Watts, Lynch là người có công chắp cánh cho nhân vật Betty của cô trở thành một vai diễn tài năng xuất chúng khiến những nhân vật quyền lực nhất ngành công nghiệp giải trí phải chú ý đến.[54] Bình luận về sự tương phản giữa cái đồi bại hiện thời với hoài niệm quá khứ ở kinh đô Hollywood, Steven Dillon nhận định cách mà Mulholland Drive phê bình văn hóa Hollywood cũng giống hệt như cách người ta thường lên án cái gọi là "cinephilia" (thuật ngữ chỉ sự mê hoặc của việc làm phim và những ảo tưởng đi kèm với nó).[55]

Laura Harring từng mô tả cách giải thích của mình sau khi xem bộ phim như sau: "Lần thứ nhất xem phim, tôi đoán đó là câu chuyện về những giấc mơ ở Hollywood, những ảo vọng cùng nỗi ám ảnh. Điều này mang đến ý niệm rằng chẳng có gì tồn tại như vẻ ngoài vốn có của nó, đặc biệt là việc khát khao trở thành một minh tinh Hollywood. Lần thứ hai rồi lần thứ ba, tôi bắt đầu nghĩ có thể có điểm gì đó liên quan đến nhân cách. Liệu chúng ta có thực sự biết mình là ai? Và rồi tôi bắt đầu xem nhiều thứ khác hơn... Chẳng có gì là đúng hay sai về việc mọi người hiểu được và nhận được gì từ bộ phim cả. Bộ phim chỉ đơn thuần khiến bạn phải suy ngẫm liên tục, bắt bạn phải đặt ra câu hỏi. Có một điều mà tôi thường hay nghe đi nghe lại rất nhiều lần về bộ phim là Đây là bộ phim mà tôi phải xem lại lần nữa hoặc đại loại là Đây là bộ phim bạn bắt buộc phải xem lại. Nó hớp hồn bạn, khiến bạn bằng mọi giá phải chạm tay đến, nhưng quả thực tôi không nghĩ đây là bộ phim mà người ta có thể dễ dàng chạm tay vào. Cơ bản bộ phim đã hoàn thành sứ mệnh của mình nếu nó làm bạn phải bận tâm".[56] Trong một bài phỏng vấn khác, nữ diễn viên thừa nhận: "Đối với tôi, Mulholland Drive là chuyện đôi khi chúng ta bị lạc trong giấc mơ. Đó là câu chuyện về bóng tối ở Hollywood... Mọi người đều nghĩ rằng nổi tiếng là điều gì đó rất vinh quang và tuyệt vời, nhưng nó chỉ thực sự tuyệt vời khi không có hằng hà sa số những vụ ly hôn cùng việc tiêu thụ quá nhiều bia rượu lẫn ma túy. Khi bạn trở nên cực kỳ nổi tiếng, bạn chỉ cần đi ra ngoài và rồi sẽ có rất nhiều tay săn ảnh xuất hiện. Bạn cảm thấy như thể bản thân là một con khỉ trên dây xích vậy. Thực sự là thế đấy!".[11]

Yếu tố đồng giới

Phân đoạn tình dục đồng giới giữa Betty và Rita – một trong những phân đoạn tình dục tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông. Không những thế, nó còn được đánh giá là một trong những cảnh tình dục đồng giới nữ nóng bỏng nhất trên màn ảnh.

Mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật Betty và Rita, Diane và Camilla tùy trường hợp mà thay đổi từ "cảm động", "thắm thiết" đến "kích thích". Nhà phê bình phim Glenn Kenny, viết trong một bài phê bình về bộ phim trên tạp chí Premiere rằng mối quan hệ giữa Betty và Rita "có thể là mối quan hệ tình cảm lành mạnh nhất, tích cực nhất từng được miêu tả trong một bộ phim của Lynch".[57] Còn nhà phê bình người Pháp Thierry Jousse, trong bài phê bình cho tạp chí điện ảnh Cahiers du cinéma đã phải thốt lên rằng thứ tình cảm hai người phụ nữ thể hiện qua phim là thứ "tình cảm cường điệu mà điện ảnh đương thời hoàn toàn vắng bóng".[58] Trong ấn phẩm Film Comment số 37, Philip Lopate khẳng định điểm cốt lõi trong mối quan hệ giao thoa lãng mạn giữa Betty và Rita đã trở nên sâu sắc, dịu dàng hơn bởi "ngay lần đầu tiên, với tất cả sự ngạc nhiên của mình, Betty nhận ra rằng tất cả tính có ích của cô, cũng như nỗi tò mò về người phụ nữ kia hoàn toàn có ý nghĩa: [đó là] niềm khao khát,... là khoảnh khắc đẹp nơi mọi điều trở nên huyền mặc hơn bởi tình thương mến âu yếm, bởi những điều tồi tệ giờ đây chỉ còn là khoảng cách".[41] Stephanie Zacharek của tạp chí Salon mô tả "tính khêu gợi [của khoảnh khắc ấy] mạnh mẽ đến mức phủ kín toàn bộ bộ phim, tô nên bức tranh sống động cho mọi cảnh diễn ra trước và sau nó".[59] Kênh IFC của Mỹ đã bình chọn Betty và Rita là cặp đôi lãng mạn biểu tượng cho thập niên 2000. Đánh giá về lựa chọn này, nhà văn Charles Taylor viết: "Betty và Rita như thể bị đóng khung trong một vùng bóng tối nhẹ nhàng và dịu mượt như một quầng mây lơ lửng. Quầng mây ấy sẵn sàng nuốt chửng hai người nếu họ manh nha tỉnh thức khỏi giấc mơ của bộ phim. Khi bóng tối bủa vây lấy họ, khi màn khói lấp đầy cái khung tựa lưu huỳnh từ địa ngục đang phủ mờ tầm nhìn của chúng ta, thì không chỉ ta cảm thấy một mối tình lãng mạn dần bị phá vỡ, mà như thể toàn bộ cái vẻ đẹp của tạo hóa cũng đang bị nguyền rủa".[60]

Một vài nhà lý luận điện ảnh cũng đã tranh luận về những chi tiết đồng giới được lồng ghép vào nội dung thẩm mỹ và chủ đề trong phim. Dòng thời gian phi tuyến tính của phim "không thể duy trì được tính nhất quán trong việc tường thuật câu chuyện", như Lee Wallace lập luận: "Tình dục đồng giới nữ đã phá vỡ các quy ước thông thường về mặt tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực kể chuyện, vận hành như một điểm chuyển tiếp cho thế giới đầy tranh cãi được xây dựng công phu bên trong cốt truyện của phim".[61] Sự hiện diện của những tấm gương cùng các nhân vật song trùng xuyên suốt diễn biến phim "là biểu trưng thông thường cho khát khao tình dục đồng giới nữ".[62] Mối quan hệ đồng phụ thuộc giữa Betty và Rita – mối quan hệ đặt nền móng trên nỗi ám ảnh triệt để cũng thường được đem so sánh với các mối quan hệ tương tự trong hai bộ phim khác là Persona (1966) của Ingmar Bergman hay 3 Women (1977) của Robert Altman. Cả ba bộ phim đều tập trung khai thác những nhân cách khác nhau của từng người phụ nữ dễ tổn thương, để rồi những nhân cách ấy lần lượt đan xen, hoán đổi rồi cuối cùng hòa trộn vào nhau. Theo đó, "những cặp đôi phản chiếu tính cách của nhau bằng mối tương tác tổng hòa nên từ sự tôn sùng cá nhân cùng ham muốn tình dục đồng giới".[63] Lynch tỏ rõ sự ái mộ của mình với Persona bằng cách để cho nhân vật Rita đội bộ tóc giả màu vàng, màu tóc của Betty. Sau đó, Rita và Betty nhìn chằm chằm vào bóng hình nhau trong gương. Điều này đã góp phần "thu hút sự chú ý của khán giả về sự tương đồng về mặt vật lý giữa hai người họ, nối kết cảnh tiếp theo đến chủ đề thể xác, sự gắn kết thân thể và ý niệm về sự sáp nhập hoặc nhân đôi" – hai chủ đề nổi bật thấu suốt bộ phim, mang đến cho hình thái hay nội dung phim thứ vượt xa hơn cái đơn thuần gọi là tình yêu đồng giới.[62]

Một số nhà lý thuyết đã cáo buộc Lynch duy trì các khuôn mẫu, kịch bản rập khuôn về chủ đề đồng tính nữ. Theo đó, Rita (người phụ nữ nguy hiểm) và Betty (kiểu nhân vật nữ sinh, ngây thơ) đại diện cho hai mẫu hình nhân vật đồng tính nữ cổ điển. Nhà văn Heather Love nhắc đến hai mệnh đề sáo ngữ chính được sử dụng trong phim như sau: "Lynch thể hiện chủ nghĩa đồng tính nữ ở dạng ngây thơ và cởi mở: ham muốn đồng giới ló dạng tựa hồ cuộc phiêu lưu vĩ đại, như cánh cổng dẫn đến một vùng lãnh thổ quyến rũ và vô danh". Nhà văn cũng nói thêm: "Trong câu chuyện của Diane và Camilla, Lynch mang đến cho chúng ta một mối quan hệ tam giác cổ điển", trong đó, một người phụ nữ sẽ "bỏ mặc người phụ nữ còn lại" – người phụ thuộc vào mối quan hệ này hơn chính cô ta để "lao vào vòng tay người đàn ông khác".[64] Maria San Filippo, tác giả cuốn sách nổi tiếng The B Word: Bisexuality in Contemporary Film and Television, trên bài xã luận của mình đã thẳng thắn nhìn nhận rằng vị đạo diễn chủ yếu dựa vào những mô típ quen thuộc trong các phim noir để hướng nhân vật Camilla đến sự phản bội không thể tránh khỏi. Những mô típ này "trở nên thâm căn cố đế đến mức người xem dễ dàng đoán ra ngay chỉ là vấn đề thời gian trước khi 'Rita' bộc lộ bản chất thực của mình".[65] Theo Love, ham muốn đồng tính nữ độc quyền của Diane là ranh giới "giữa thành công với thất bại, giữa tính dục với sự thấp hèn, thậm chí giữa sự sống và cái chết" nếu cô bị từ chối. Diane là mẫu nhân vật bi kịch, mong muốn thiết tha một tình yêu đồng giới trong mối quan hệ tình dục đơn thuần. Phân tích của Love về bộ phim cũng chỉ ra mối quan tâm đặc biệt của giới truyền thông về nội dung đồng giới. Cụ thể, "các nhà phê bình phấn khích đến từng chi tiết cũng như thời lượng của các cảnh nóng trong phim, cứ như có một cuộc thi xem ai có thể thưởng thức hình tượng đại diện cho khao khát đồng giới này một cách tốt nhất vậy". Bà cũng chỉ ra bộ phim đã sử dụng một chủ đề kinh điển trong văn chương và điện ảnh để miêu tả các mối quan hệ đồng tính nữ. Theo đó, Camilla xinh đẹp, độc thân, đứng giữa hai lựa chọn: một là người đàn ông giàu sang, hai là người phụ nữ bên cạnh mình. Cuối cùng, như ai cũng thấy, cô quyết định rời bỏ Diane để tiến tới với Adam. Ngoài ra, sự tương phản trong mối quan hệ giữa Betty và Rita, Diane và Camilla thường được hiểu theo cách: "Có lúc, hai người họ giống như hai sinh vật nóng bỏng nhất trên Trái Đất, nhưng cũng có lúc, họ nguội lạnh và trở nên buồn rầu", như thể "trật tự dị tính luyến ái đã tự biết cách đòi quyền lợi bằng việc vùi dập những xúc cảm vốn có của một người phụ nữ khi họ bị bỏ rơi".[64]

Yếu tố dị tính chủ yếu quan trọng ở nửa sau của bộ phim, khi sự sụp đổ của mối quan hệ Diane-Camilla bắt nguồn từ các sự kiện diễn ra tại bữa tiệc của Adam, nơi anh tuyên bố sẽ kết hôn với Camilla (dù điều này chỉ mang tính thủ tục). Tuy vậy, hai người này vẫn không thể đi đến kết cục viên mãn, bởi như Lee Wallace nhìn nhận, bằng việc lên kế hoạch kết liễu Camilla, "Diane đã ngăn cản mối tình sặc mùi công nghiệp tiến tới hôn nhân chỉ với hành động xuôi theo dòng cốt truyện, thứ gián tiếp kết liễu cả cô lẫn bạn tình của mình. Về cơ bản, mối quan hệ nhân quả trong phim không tương xứng lắm với cốt truyện mang đậm chủ nghĩa đồng giới nữ mà chính bộ phim thể hiện".[61] Còn theo Joshua Bastian Cole, Adam đóng vai trò giống như chướng ngại khiến Camilla rời bỏ cô. Vì lẽ ấy, trong giấc mơ cô vẽ ra, Adam trở thành kẻ xấu có kết cục không mấy tốt đẹp. Nói cách khác, giấc mơ là nơi Diane "báo thù" cho nỗi ghen tuông kìm nén trong tâm trí mình. Cole lập luận đây là một ví dụ về "cái nhìn chuyển đổi" của Diane: "Adam đóng vai trò như một tấm gương – một nhân vật nam mà Diane có thể tự soi chiếu". Ngoài ra, những tiếp xúc thị giác của hai người Diane và Dan ở quán Winkie's là ví dụ khác của "cái nhìn chuyển đổi". Theo Cole, "sự nhìn nhận kỳ lạ của Diane với nhân vật Dan, một bản thể không giống nhân dạng mà là thứ gì đó hoàn toàn khác, dường như tạo cảm giác giống như có sự chuyển đổi nào đó bên trong một lối đi quanh co, được vẽ nên từ việc nhân đôi không thể xảy ra". Mặt khác, ông khẳng định cái tên gần như tương giao giữa họ (Dan/Diane) chắc chắn không thể là một thứ nhầm lẫn, đồng thời nhấn mạnh rằng mong muốn hiểu biết về chủ đề đồng tính nữ đã làm lu mờ đi các diễn giải về chuyển đổi.[66]

Hai diễn viên Naomi Watts và Laura Elena Harring cũng có những nhận định trái ngược nhau về mối quan hệ của họ trên màn ảnh. Watts nhận xét về cảnh nóng giữa hai nhân vật trong phim như sau: "Tôi không thấy nó khêu gợi tí nào cả, mặc dù nó được quay theo cách ấy. Lần cuối tôi xem cảnh này, tôi đã khóc rất nhiều vì tôi biết câu chuyện đang đi đến đâu. Nó khiến tim tôi hơi nhói".[67] Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn khác, Watts lại phân bua: "Kỳ thực tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì độ chân thực của phân cảnh đó trên màn ảnh. Hai người họ dường như rất yêu thương nhau và điều này khêu gợi đến lạ".[36] Còn về phần Harring, cô nhận định: "Phân đoạn tình cảm bỗng chốc hiện ra trước mắt tôi. Rita rất biết ơn sự giúp đỡ mà Betty đã dành cho [cô ấy] vì vậy tôi nói lời tạm biệt, chúc ngủ ngon, cảm ơn cô ấy từ tận đáy lòng, rồi tôi hôn cô ấy và đột nhiên sau đó có một nguồn năng lượng nào đó khiến chúng tôi vượt qua [giới hạn]. Tất nhiên tôi bị mất trí nhớ vì vậy tôi không biết liệu tôi từng làm điều này trước đây chưa, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng tôi thực sự là hai kẻ đồng tính".[30] Heather Love cũng phần nào đồng ý với nhận định của Harring khi cô cho rằng danh tính trong Mulholland Drive không quan trọng bằng mong muốn: "Chúng ta là ai không quan trọng cho lắm – cái quan trọng là chúng ta sẽ làm gì, chúng ta biết bản thân muốn gì".[64]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Con đường ảo mộng http://www.dvd.net.au/review.cgi?review_id=1526 http://www.accesshollywood.com/moviemantz-best-mov... http://www.afi.com/tvevents/afiawards01/mpawards.a... http://www.awardspeculation.com/mulhollanddrive.ht... http://www.bbc.com/culture/story/20150720-the-100-... http://www.blu-ray.com/news/?id=17183 http://www.blu-raydefinition.com/reviews/mulhollan... http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=mulholland... http://www.channel4.com/film/reviews/feature.jsp?i... http://www.csmonitor.com/2001/1012/p15s1-almo.html